Với hầu hết mọi ngân hàng, vòng phỏng vấn được xem là vòng cuối cùng trong quá trình tuyển dụng, quyết định liệu bạn có trúng tuyển hay không?
Vòng phỏng vấn là “cửa ải” cuối cùng trong quy trình tuyển dụng của nhiều ngân hàng hiện nay. Để vượt qua, ứng viên phải trả lời tốt những câu hỏi hóc búa và chứng minh mình bản thân thật sự phù hợp với vị trí đang tuyển dụng. Vậy làm thế nào để nắm chắc tấm vé trúng tuyển trong tay? Hãy cùng Navigos Search khám phá 15 câu hỏi phỏng vấn ngân hàng và cách trả lời chuyên nghiệp nhất nhé!
1. Bộ câu hỏi phỏng vấn chung ngân hàng
Câu 1: Hãy cho biết thành tích lớn nhất trong sự nghiệp của bạn?
Ở câu hỏi phỏng vấn ngân hàng này, nhà tuyển dụng muốn biết hiệu suất làm việc trước đây và cách xử lý tình huống cụ thể của bạn. Bạn có thể tận dụng công thức STAR để trả lời. Cụ thể công thức này được hiểu là Situation - Tình huống, Task - Nhiệm vụ, Action - Hành động, Results - Kết quả.
Gợi ý trả lời:
- Situation - Tình huống: Thành tựu lớn nhất của tôi chính là được đại diện hỗ trợ khách hàng cho ngân hàng A. Khi đó tôi chưa thật sự có quá nhiều kinh nghiệm, phải tự học hỏi và tích lũy rất nhiều.
- Task - Nhiệm vụ: Tôi thấy bản thân phải không ngừng học hỏi, suy nghĩ linh hoạt và chủ động hơn, tích cực để thăng tiến lên vị trí công việc mơ ước.
- Action - Hành động: Tôi bắt đầu tìm hiểu chuyên sâu về sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng A, nghiên cứu thắc mắc của khách hàng, tổng hợp thành một tài liệu. Qua đó, tôi đã thật sự thấu hiểu mọi vấn đề của khách hàng, tìm ra cách tư vấn sản phẩm hiệu quả và dễ hiểu nhất. Sau thời gian một năm, tôi được thăng chức lên trưởng nhóm hỗ trợ khách hàng, chịu trách đào tạo nhân sự mới, truyền đạt vấn đề về sản phẩm lẫn khách hàng, mở rộng dịch vụ khách hàng cho ngân hàng A.
- Kết quả: Cuối cùng, tôi đã góp phần gia tăng 25% doanh thu cho ngân hàng nhờ vào việc hỗ trợ khách hàng chuyên nghiệp.
Xem thêm >>
Câu 2: Vì sao bạn ứng tuyển tại ngân hàng chúng tôi?
Với câu hỏi này, bạn hãy chỉ ra những giá trị tốt đẹp, sản phẩm và dịch vụ xuất sắc hay bất cứ điều gì nổi bật của ngân hàng mà bạn ứng tuyển.
Gợi ý trả lời:
Tôi đã tìm hiểu tất cả các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng B. Lợi thế của sản phẩm và dịch vụ tại ngân hàng B mang lại cho khách hàng là rất hấp dẫn, cạnh tranh so với nhiều ngân hàng khác. Tôi thích làm việc tại đây bởi vì tôi thật sự tin rằng ngân hàng B sẽ mang lại giá trị hoàn hảo và tốt đẹp nhất cho cộng đồng.
Câu 3: Bạn muốn mức lương bao nhiêu?
Với câu hỏi phỏng vấn ngân hàng về mức lương, bạn cần trả lời một cách tế nhị và khéo léo. Bạn có thể tham khảo mức lương cụ thể của các vị trí ngân hàng tại báo cáo lương 2023 của Navigos Group - Tập đoàn sở hữu 2 thương hiệu tuyển dụng hàng đầu Việt Nam (VietnamWorks và Navigos Search).
Gợi ý trả lời:
Tôi đã tìm hiểu mức lương trung bình của vị trí này trên thị trường hiện nay, dao động từ X - Y triệu đồng. Với năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của tôi tại vị trí công việc này, tôi mong muốn mức lương của mình là… Tôi tin rằng bản thân sẽ thành công trong vai trò này.
Xem thêm >>
Những câu hỏi phỏng vấn chung
2. Bộ câu hỏi phỏng vấn chuyên môn ngành ngân hàng
Câu 4: Điều gì khiến bạn theo đuổi con đường sự nghiệp ngân hàng?
Bạn có thể nói về đặc điểm tính cách liên quan đến công việc ngành ngân hàng hay nói về khía cạnh của ngân hàng mà bạn đang quan tâm.
Gợi ý trả lời:
Tôi yêu thích môi trường làm việc trong ngân hàng bởi sự năng động, chuyên nghiệp, cơ hội thăng tiến cao. Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, tôi đã dành hai năm để làm chuyên viên tín dụng. Trong thời gian đó, tôi đã tiên phong tham gia nhiều dự án mới. Cấp trên và đồng nghiệp thường khen ngợi với khả năng đa nhiệm, kết quả công việc của tôi.
Tôi cũng thường xuyên cập nhật xu hướng mới trong ngành, luôn dành tinh thần nhiệt huyết và năng lượng tích cực, sự sáng tạo cho công việc để đạt kết quả cao nhất. Những điều này giúp tôi theo nghề lâu dài và là điều kiện cần để thăng tiến lên vị trí cao hơn.
Câu 5: Theo bạn, kỹ năng chăm sóc khách hàng hay kỹ năng bán hàng quan trọng hơn?
Câu hỏi phỏng vấn này được đưa ra nhằm xem xét mức độ hiểu biết về những kỹ năng trong công việc ngân hàng của ứng viên. Bạn cần đánh giá kỹ về hai kỹ năng này để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Gợi ý trả lời:
Cả kỹ năng chăm sóc khách hàng và kỹ năng bán hàng đều quan trọng đối với những người làm trong ngân hàng. Kỹ năng dịch vụ khách hàng đảm bảo khách hàng hài lòng với dịch vụ nhận được, còn kỹ năng bán hàng cho phép nhân viên quảng bá sản phẩm, dịch vụ tài chính đem lại lợi ích cho khách hàng. Sự cân bằng của hai kỹ năng này sẽ tạo nên một nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp.
Câu 6: Bạn làm gì nếu đồng nghiệp có hành động sai trái với tài chính của ngân hàng?
Để trả lời tốt câu hỏi này, bạn hãy liên hệ hành động của chính bạn với giá trị, sứ mệnh của ngân hàng. Bạn nên ưu tiên nhu cầu và lợi ích của ngân hàng cũng như nhấn mạnh về hành động chính trực của bạn.
Gợi ý trả lời:
Trước đây, tôi từng làm kế toán nội bộ ngân hàng A, chịu trách nhiệm phê duyệt, ghi chép, báo cáo chi phí kinh doanh. Trưởng phòng đã yêu cầu tôi xử lý khoản chi phí mà không thông qua phê duyệt. Việc làm này gây ảnh hưởng ít nhiều đến đạo đức nghề nghiệp của tôi và cả ngân sách của ngân hàng. Vì thế, đã từ chối ghi nhận chi phí đó, nhắc nhở người trưởng phòng về nghĩa vụ đạo đức và pháp lý của mình đối với ngân hàng.
Câu hỏi phỏng vấn về chuyên môn
3. Bộ câu hỏi phỏng vấn ngân hàng chuyên sâu
Câu 7: Hãy cho biết dấu hiệu khách hàng có khả năng vay nợ xấu?
Cung cấp khoản vay cho đối tượng khách hàng không tin cậy sẽ dẫn đến nợ xấu, gây tổn hại về mặt tài chính của ngân hàng. Hãy liệt kê dấu hiệu cảnh báo và cách bạn mà ứng phó với khách hàng có rủi ro cao.
Gợi ý trả lời:
Đảm nhận công việc này, tôi luôn kiểm tra lịch sử thanh toán để phát hiện khoản trễ thanh toán và không trả được, kiểm tra lịch sử dùng thẻ tín dụng của khách hàng và tỷ lệ nợ dựa trên thu nhập. Nếu mức sử dụng cao là dấu hiệu cho thấy khách hàng bị nợ quá mức, có nguy cơ nợ xấu. Với những khách hàng có rủi ro cao, tôi luôn lựa chọn phương án an toàn cho ngân hàng là từ chối yêu cầu vay.
Câu 8: Trình bày 3 loại tài khoản khác nhau, điểm khác biệt giữa chúng?
Với câu hỏi này, bạn không phải giải thích cụ thể về các loại tài khoản, nhưng cần thể hiện bạn hiểu sự khác biệt chính giữa từng loại.
Gợi ý trả lời:
Trong các ngân hàng, nổi tiếng nhất là tài khoản vãng lai cho phép khách hàng gửi tiền, rút tiền, chi tiêu. Tài khoản tiết kiệm sẽ có lãi suất cao hơn đối với số tiền gửi vào nhưng giới hạn về số lượng giao dịch trong khoảng thời gian nhất định. Có một số ngân hàng còn cung cấp tài khoản thị trường tiền tệ để lấp đầy khoảng trống, lãi suất cao hơn tài khoản vãng lai, không có giới hạn giao dịch,...
Câu 9: Ngân hàng di động thay đổi cách thức tương tác giữa ngân hàng với khách hàng ra sao?
Để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn ngân hàng này, bạn cần đánh giá cao giá trị của giải pháp kỹ thuật số bởi chúng giúp cải tiến dịch vụ ngân hàng cung cấp đến khách hàng.
Gợi ý trả lời:
Hiện nay, khách hàng đã sử dụng app ngân hàng cho những tác vụ đơn giản như kiểm tra số dư, mở tài khoản tiền gửi, chuyển tiền, giao dịch hay rút tiền trực tiếp tại ATM,... Điều này đã làm thay đổi cách thức tương tác giữa ngân hàng với khách hàng. Thay vì trực tiếp đến quầy lễ tân hay giao dịch ngân hàng, khách hàng chỉ đến khi không thể tự giải quyết tác vụ phức tạp, khó hiểu.
Tôi thấy những thay đổi này rất tiện lợi cho cả khách hàng và ngân hàng. Phía ngân hàng có thể chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp cho khách hàng, không phải giải quyết cho lượng lớn khách hàng đến trực tiếp… Đồng thời, khách hàng không phải tốn thời gian đến ngồi chờ để được giao dịch viên giải quyết, hỗ trợ.
Câu 10: Nếu khách không hiểu vấn đề tài chính bạn đang giải thích thì bạn làm thế nào?
Khách hàng của ngân hàng là những người thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề, công việc, nơi ở khác nhau và không phải khách hàng nào cũng hiểu rõ về dịch vụ tài chính. Vì thế, mới cần đến những người làm trong ngân hàng để hỗ trợ họ. Nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi phỏng vấn ngân hàng này được đưa ra với mục đích đánh giá khả năng giao tiếp và sự am hiểu về công việc của người ứng tuyển.
Gợi ý trả lời:
Trong mỗi giao dịch với khách hàng, tôi luôn cố gắng giải thích mọi thứ đơn giản nhất có thể cho khách hàng. Nếu họ vẫn chưa nắm được, tôi sẽ tìm cách giải thích khác, giúp họ hiểu rõ sản phẩm hay dịch vụ tài chính mà họ đã, sẽ, đang lựa chọn.
Câu hỏi phỏng vấn chuyên sâu
4. Các câu hỏi phỏng vấn ngân hàng bổ sung khác
Câu 11. Một khách hàng VIP đột nhiên rút tiền và chuyển sang ngân hàng khác có lãi suất cao hơn. Bạn sẽ làm gì để giữ chân khách hàng này?
Trong bộ câu hỏi vấn ngân hàng, đây là câu hỏi khó, đặc biệt với ứng viên chưa có kinh nghiệm dày dặn. Câu trả lời sẽ giúp người phỏng vấn đánh giá được cách xử lý, sự khéo léo, kinh nghiệm của ứng viên.
Gợi ý trả lời:
Tôi sẽ mời khách hàng đó vào phòng VIP để tiến hành trao đổi. Trong cuộc nói chuyện, tôi đánh vào những khó khăn, sự bất lợi khi khách hàng rút tiền, chuyển sang nơi khác như thủ tục rườm rà, mất thời gian, số tiền chênh lệch giữa 2 ngân hàng không quá cao (đưa ra con số cụ thể),... Đặc biệt, khi khách hàng chuyển sang ngân hàng khác thì họ không còn là VIP của ngân hàng đó và có thể mất đi nhiều phúc lợi hấp dẫn. Còn trong trường hợp, khách hàng VIP khăng khăng rút thì tôi vẫn sẽ gọi điện, gửi email thăm hỏi, giới thiệu tiện ích của ngân hàng mình để họ trở lại.
Câu 12: Sự khác biệt giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư là gì?
Bạn không cần phân tích chi tiết về sự khác nhau của hai ngân hàng này mà hãy nêu đặc điểm cơ bản, nổi bật để phân biệt chúng.
Gợi ý trả lời:
Ngân hàng thương mại sẽ huy động vốn trực tiếp từ những doanh nghiệp, cá nhân rồi cho chủ thể khác vay lại. Trong khi đó, ngân hàng đầu tư huy động vốn bằng cách phát hành chứng khoán.
Ngân hàng đầu tư giúp doanh nghiệp phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) cho những công ty, cá nhân để huy động vốn. Còn ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay vốn.
Câu 13: CAMEL là phương pháp đánh giá tổng thể về hoạt động ngân hàng. Phương pháp này xem xét đến những nhóm chỉ tiêu nào?
Để trả lời câu hỏi này, bạn phải nắm rõ kiến thức chuyên ngành tài chính ngân hàng và phương pháp CAMEL. Câu trả lời phải đưa ra thông tin các chỉ tiêu chính xác, ngắn gọn, đầy đủ.
Gợi ý trả lời:
Phương pháp CAMELS sẽ xem xét 6 nhóm chỉ tiêu là: Capital Adequacy, Asset Quality, Management, Earnings, Liquidity, Sensitivity. Trong đó:
- Capital Adequacy là mức độ an toàn vốn, thể hiện số vốn tự có hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngân hàng chấp nhận càng nhiều rủi ro, càng yêu cầu có nhiều vốn tự có. Chỉ tiêu này hỗ trợ hoạt động của ngân hàng, bù đắp tổn thất liên quan đến rủi ro cao hơn.
- Asset Quality là chất lượng tài sản. Asset Quality chỉ rõ nguyên nhân cơ bản của các vụ ngân hàng phá sản, xuất phát từ quản lý không chặt chẽ trong chính sách cho vay. Điều này dẫn đến khủng hoảng thanh khoản, gây ra tình trạng khách hàng đổ xô đi rút tiền tại ngân hàng.
- Management là quản lý. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong phương pháp CAMEL. Quản lý đóng vai trò quyết định sự thành công của hoạt động ngân hàng.
- Earnings là lợi nhuận, chỉ số để đánh giá công tác quản lý và hoạt động chiến lược. Lợi nhuận dẫn đến hình thành thêm vốn, giúp thu hút thêm vốn, sự hỗ trợ của nhà đầu tư trong tương tai và bù đắp khoản cho vay bị tổn thất…
- Liquidity là thanh khoản. Thanh khoản đáp ứng nhu cầu vay thêm, vay mới mà không phải thu hồi những khoản vay trong hạn, thu hồi khoản đầu tư có kỳ hạn. Thanh khoản còn đáp ứng biến động theo mùa vụ như cầu rút tiền kịp thời, có trật tự.
- Sensitivity to Market Risk là mức độ nhạy cảm với sự rủi ro thị trường. Chi tiết này đo lường mức độ ảnh hưởng của việc thay đổi lãi suất, tỷ giá, giá trị lợi nhuận, vốn cổ phần. Phân tích S quan tâm tới khả năng của ban lãnh đạo trong việc quản lý, xác định, giám sát rủi ro từ thị trường và đưa ra định hướng rõ ràng.
Câu 14: Quản lý rủi ro tín dụng là gì? Nhận xét mô hình quản lý rủi ro tín dụng tập trung?
Bạn phải nắm được kiến thức chuyên ngành, nghiệp vụ trong công việc và cần tìm hiểu trước mô hình quản lý rủi ro trong tín dụng.
Gợi ý trả lời:
Quản lý rủi ro tín dụng được hiểu là quá trình nhận dạng, phân tích rủi ro và đo lường mức độ rủi ro. Thông qua đó, lựa chọn triển khai biện pháp và quản lý hoạt động tín dụng để hạn chế, loại trừ rủi ro khi cấp tín dụng. Mô hình quản lý rủi ro tập trung sẽ có sự tách biệt giữa 3 yếu tố là quản lý rủi ro, kinh doanh, tác nghiệp.
Điểm nổi bật của mô hình quản lý rủi ro tín dụng tập trung là: quản lý rủi ro có hệ thống trên quy mô toàn ngân hàng, đảm bảo tính cạnh tranh về lâu dài, duy trì môi trường quản lý rủi ro một cách đồng bộ, thích hợp với quy trình quản lý, nâng cao đo lường giám sát rủi ro,...
Câu 15: Bạn còn câu hỏi nào cho chúng tôi không?
Câu trả lời của bạn không nên đưa ra câu hỏi không liên quan hay chỉ lắc đầu, im lặng. Bạn hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thật sự muốn tìm hiểu sâu sắc về doanh nghiệp, công việc đang ứng tuyển.
Gợi ý trả lời:
Tôi được biết doanh nghiệp mình luôn được đánh giá cao về hệ thống quản lý. Anh/chị có thể cho tôi biết làm thế nào mà doanh nghiệp, đặc biệt là bộ phận nhân sự đạt được những thành tựu đó, cơ hội thăng tiến của vị trí này như thế nào, ai là người quản lý trực tiếp, tôi được tham gia khóa đào tạo nâng cao chuyên môn hay không,...
Xem thêm >> Tổng hợp những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng để bạn ghi điểm
Một số câu hỏi phỏng vấn khác
Hy vọng thông tin trên đây của Navigos Search đã mang đến thông tin hữu ích, giúp các bạn vượt qua buổi phỏng vấn ngân hàng dễ dàng. Còn rất nhiều bài viết về nhiều ngành nghề khác, thông tin thị trường, nhân sự, xu hướng ngành nghề hot,... được cập nhật thường xuyên tại Fanpage và Linkedin của Navigos Search, bạn đừng bỏ lỡ nhé. Cảm ơn quý bạn đọc đã luôn đồng hành cùng Navigos Search!
Navigos Search - Công ty săn nhân tài cấp trung và cấp cao hàng đầu Việt Nam