Bạn đã biết cách tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn qua điện thoại?

Nội dung chính

Thể hiện rõ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và ứng xử khéo léo, tinh tế trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, chắc chắn cơ hội trúng tuyển của bạn là rất lớn.

Bạn là một ứng viên tiềm năng? CV của bạn đã lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng? Bạn sắp bước vào vòng phỏng vấn qua điện thoại? Tuy nhiên, bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, cần chuẩn bị những gì? Đừng lo lắng, Navigos Search hoàn toàn có thể giúp bạn vượt qua và tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn qua điện thoại qua thông tin sau đây. Đừng bỏ lỡ nhé!

1. Vì sao nhà tuyển dụng phỏng vấn qua điện thoại?

Phỏng vấn qua điện thoại là bước đầu giúp nhà tuyển dụng xác định xem ứng viên có phù hợp với vị trí công việc và có đáng để mời phỏng vấn trực tiếp hay không. Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực tài chính cho các cuộc phỏng vấn trực tiếp và góp phần vào việc đánh giá kỹ năng giao tiếp qua điện thoại của ứng viên.

Dưới đây là 4 lợi ích của phỏng vấn qua điện thoại:

  • Tiết kiệm thời gian: Các cuộc phỏng vấn qua điện thoại thường kéo dài từ 15 - 30 phút, giúp tăng cường sự hiệu quả trong quá trình tuyển dụng.
  • Tiết kiệm chi phí: Loại bỏ những chi phí đi lại và chỗ ở liên quan đến cuộc phỏng vấn trực tiếp, giúp giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp lẫn ứng viên.
  • Sàng lọc ứng viên: Giúp xác định rõ hơn liệu ứng viên có phù hợp với yêu cầu công việc hay không, giúp loại bỏ những ứng viên không phù hợp từ giai đoạn đầu của quá trình tuyển dụng.
  • Đánh giá kỹ năng giao tiếp qua điện thoại: Cung cấp cơ hội để đánh giá kỹ năng giao tiếp của ứng viên qua điện thoại, một yếu tố quan trọng trong nhiều vị trí công việc.

Tóm lại, phương pháp phỏng vấn qua điện thoại là một công cụ quan trọng giúp nhà tuyển dụng hiệu quả hóa quá trình tuyển dụng và tạo ra sự lựa chọn “chín muồi” khi quyết định mời ứng viên tham gia phỏng vấn trực tiếp.

2. Ứng viên cần chuẩn bị gì khi phỏng vấn qua điện thoại?

Dù có biết trước về buổi phỏng vấn qua điện thoại hay không nhưng là một ứng viên tìm kiếm việc làm, bạn phải chuẩn bị thật tốt tinh thần, sẵn sàng nhận phản hồi từ nhà tuyển dụng. Và để có được buổi phỏng vấn tốt, bạn nên chuẩn bị là lưu ý những điều sau đây:

Nghiên cứu về vị trí, doanh nghiệp ứng tuyển

Gửi CV ứng tuyển vào đơn vị nào thì bạn cũng nên tìm hiểu trước thông tin về vị trí tuyển dụng, doanh nghiệp ứng tuyển để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ cần làm, yêu cầu công việc, văn hóamôi trường làm việc,... 

Bạn có thể tìm hiểu những thông tin này qua website doanh nghiệp, mạng xã hội,… và ghi chép lại. Thông qua đó, bạn sẽ xem xét năng lực của bản thân có thật sự phù hợp vị trí đang ứng tuyển hay không và khi được nhà tuyển dụng hỏi về các vấn đề này, bạn sẽ trả lời tốt hơn.

Luyện tập trước bộ câu hỏi phỏng vấn thường gặp

Hãy chuẩn bị, luyện tập trước bộ câu hỏi phỏng vấn thường gặp để tự tin thể hiện trước nhà tuyển dụng. Một lợi thế lớn của phỏng vấn qua điện thoại là bạn có thể viết câu trả lời ra giấy, tìm kiếm thông tin nhanh chóng qua mạng,… 

Bạn có thể chuẩn bị một số câu như: Giới thiệu bản thân, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, mức lương mong muốn và các câu hỏi xử lý tình huống, giải quyết vấn đề liên quan,...

Tìm hiểu nhân sự sắp phỏng vấn mình

Người trực tiếp phỏng vấn qua điện thoại với bạn có thể là chuyên viên tuyển dụng, quản lý nhân sự hay quản lý cấp trên của công việc đang ứng tuyển. Bằng cách lên Fanpage, Website, LinkedIn của doanh nghiệp đó hay thăm dò thông tin từ diễn đàn trao đổi việc làm để xác định họ đang đảm nhận chức danh gì.

Nếu phỏng vấn với nhà tuyển dụng, có thể bạn sẽ nhận được các câu hỏi bao quát liên quan đến kinh nghiệm, còn nếu sếp trực tiếp phỏng vấn thì khả năng bạn được hỏi về những kỹ năng chuyên môn, đặc thù,... Tuy nhiên, dù là ai phỏng vấn thì bạn cũng cần chuẩn bị một cách tốt nhất.

Tài liệu luôn có sẵn bên cạnh

Có thể người phỏng vấn sẽ hỏi bạn các câu hỏi liên quan đến lý lịch, hồ sơ năng lực để đánh giá kinh nghiệm chính xác, cụ thể hơn. Do đó, bạn cần đảm bảo tất cả tài liệu tham khảo luôn được chuẩn bị sẵn. Hãy in ra hay mở chúng trên máy tính để dễ dàng xem lại thông tin.

Đảm bảo điện thoại đủ pin

Nếu bạn sử dụng điện thoại di động cho cuộc phỏng vấn qua điện thoại thì hãy đảm bảo nó được sạc đầy. Bạn cũng nên thực hiện cuộc gọi thử nghiệm để chắc chắn đường dây kết nối rõ ràng, ổn định.

Ứng viên cần chuẩn bị gì khi phỏng vấn qua điện thoại?

Bạn nên nghiên cứu về vị trí và doanh nghiệp ứng tuyển

3. Tuyệt chiêu phỏng vấn qua điện thoại thành công

Loại bỏ yếu tố gây xao nhãng

Trước và trong thời gian phỏng vấn qua điện thoại, hãy loại bỏ mọi tác nhân gây xao nhãng, mất tập trung. Bạn nên tắt mọi thiết bị âm thanh xung quanh, đóng mọi tab không cần thiết trên máy tính, điện thoại di động để đảm bảo sự chú ý hoàn toàn vào cuộc phỏng vấn. 

Nếu có thể, hãy nhắn trước cho gia đình, bạn bè biết rằng bạn không rảnh vào khoảng thời gian này để có được cuộc phỏng vấn trơn tru, suôn sẻ nhất.

Phong thái chuyên nghiệp và lắng nghe, trả lời rõ ràng

Khi đã chuẩn bị kỹ càng thì đây là lúc bạn cần thật sự chú tâm cho buổi phỏng vấn. Hãy gửi lời chào đầu tiên một cách lịch sự đến người phỏng vấn. Tiếp theo, hãy lắng nghe cẩn thận từng câu hỏi của nhà tuyển dụng để trả lời đầy đủ, đúng trọng tâm và rõ ràng nhất có thể. Việc thể hiện kỹ năng giao tiếp xuất sắc trong quá trình phỏng vấn sẽ giúp bạn mang lại ấn tượng tốt và được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn.

Đừng quá phụ thuộc vào tài liệu

Việc chuẩn bị sẵn tài liệu là điều tốt nhưng bạn đừng nên quá phụ thuộc vào nó bởi điều này khiến câu trả lời không tự nhiên, không có sự tư duy và khiến bạn bị trừ điểm” không đáng có đấy!

Đặt ra câu hỏi phù hợp

Dù là phỏng vấn qua điện thoại hay trực tiếp, các nhà tuyển dụng cũng đều muốn biết bạn có đang thật sự quan tâm đến vị trí công việc đang ứng tuyển không qua. Bạn cần lưu ý điều này và thể hiện sự quan tâm của mình bằng cách đặt ra những câu hỏi khéo léo vào cuối cuộc phỏng vấn để tạo ấn tượng tốt hơn.

Xem thêm >> Tổng hợp những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng để bạn ghi điểm

Tuyệt chiêu phỏng vấn qua điện thoại thành công

Bí quyết giúp buổi phỏng vấn qua điện thoại thành công

4. Phỏng vấn xong không có nghĩa là kết thúc

Hơn 20 năm kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao, Navigos Search khuyên bạn nên thực hiện một số điều này sau cuộc phỏng vấn:

Hỏi về quy trình phỏng vấn tiếp theo

Bạn nên chủ động hỏi về quy trình phỏng vấn tiếp theo bởi điều này giúp nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn thật sự quan tâm đến vị trí công việc này cũng như thể hiện được mình là có quy chuẩn, quy trình làm việc rõ ràng. 

Gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng

Ngay cả khi buổi phỏng vấn không tốt như đã kỳ vọng thì bạn cũng đừng quên gửi tin nhắn, email cảm ơn nhà tuyển dụng. Việc này tạo ấn tượng ban đầu hiệu quả và thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn.

Gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng để gây ấn tượng tốt hơn

Gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng để gây ấn tượng tốt hơn

5. Các câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại thường gặp

Để cuộc phỏng vấn qua điện thoại diễn ra suôn sẻ hơn, bạn nên chuẩn bị trước một số câu hỏi phỏng vấn sau đây: 

Hãy giới thiệu đôi nét về bản thân bạn? 

Đây là câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất, giúp nhà tuyển dụng xác minh lại thông tin của ứng viên. Với câu hỏi này, ứng viên phải trả lời ngắn gọn, đủ thông tin, rõ ràng, mạch lạc.

Gợi ý trả lời: 

Tôi tên là Trần Văn A, hiện đang nộp vào vị trí B tại quý doanh nghiệp C. Tôi đã có 2 năm kinh nghiệm tại vị trí... Trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp trước đó, tôi đã giúp thực hiện thành công nhiều dự án, chiến dịch lớn như… Với kinh nghiệm chuyên môn đang có và tinh thần học hỏi, sáng tạo những cái mới, tôi tin mình bản thân mình hoàn toàn phù hợp với vị trí B doanh nghiệp đang tuyển dụng.

Tại sao bạn quyết định nghỉ việc ở đơn vị cũ?

Có nhiều lý do khiến bạn nghỉ việc như không thích môi trường làm việc, không có cơ hội phát triển, công việc không còn phù hợp hay vì một lý do cá nhân khác. Dù lý do đó là gì thì bạn cũng nên trung thực và hướng đến điều tích cực, mục tiêu phát triển trong tương lai và tránh nói xấu, than phiền về sếp, đồng nghiệp, đơn vị cũ.

Gợi ý trả lời: 

Tôi nhận thấy công việc hiện tại không còn phù hợp với mục tiêu phát triển nghề nghiệp của mình. Tôi không học hỏi được thêm được điều gì và không thể tiếp tục lộ trình thăng tiến sự nghiệp cho bản thân. Vì thế, tôi quyết định tìm kiếm một công việc có nhiều thử thách, cơ hội phát triển tốt hơn.

Hãy cho biết điểm mạnh và điểm yếu của bạn?

Với hỏi câu này, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu về kỹ năng, kinh nghiệm  (đối với điểm mạnh) và năng lực tự nhận thức của bạn (đối với điểm yếu). Đây chính là cơ hội để bạn “Pr” bản thân mình thay vì nói miên man về các sở thích, tính cách.

Gợi ý trả lời: 

Tôi nghĩ điểm mạnh của mình là khả năng đưa ra ý tưởng mới và khả năng thực hiện hóa ý tưởng đó. Trong công việc trước đó, tôi đã đề xuất và triển khai thành công ý tưởng tiếp thị mới để đạt được mức doanh thu của doanh nghiệp tăng thêm 80%. Bên cạnh đó, điểm yếu của tôi là là khả năng tiếng Anh thương mại còn khá hạn chế. Hiện tại, tôi đã tham gia khóa học tiếng Anh thương mại để cải thiện và nâng cao trình độ của mình.

Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?

Trên thực tế, sẽ không có đáp án đúng hoặc sai khi ứng viên trả lời về mục tiêu nghề nghiệp. Bởi điều này phụ thuộc vào tính cách, kỹ năng, kỳ vọng của từng người. Tuy nhiên, câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại thường gặp này là dạng này là mục tiêu phải liên quan đến công việc đang ứng tuyển và mang lại giá trị chung cho doanh nghiệp lẫn bản thân ứng viên.

Bạn hãy bắt đầu từ mục tiêu ngắn hạn đến mục tiêu dài hạn và trình bày bước tiến dần đến mục tiêu đó để nhà tuyển dụng đánh giá mức độ phù hợp giữa mục tiêu của bạn với doanh nghiệp họ. Trong câu trả lời, bạn cũng nên tập trung vào thành tích muốn đạt được thay vì những điều bạn nhận được về lương thưởng, quyền lợi,...

Gợi ý trả lời:

Mục tiêu ngắn hạn của tôi là sử dụng và phát triển tốt kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm hiệu quả vào trong công việc. Còn trong dài hạn, tôi muốn được thăng tiến lên vị trí cao hơn trong nghề như vị trí A, B,... Vì thế, tôi luôn tham dự các khóa học, buổi hội thảo chuyên ngành để nâng cao kiến thức và sẵn sàng đảm nhận vị trí cao hơn khi có cơ hội.

Đâu là mức lương mong muốn của bạn?

Đây cũng là một trong các câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại phổ biến. Nhà tuyển dụng đang muốn bạn tự đánh giá năng lực của mình và qua đó, họ sẽ đánh giá được tham vọng trong sự nghiệp của bạn.

Cách trả lời thông minh là bạn nên chuyển hướng câu hỏi để có thêm thời gian suy nghĩ trước khi nói rõ mức lương mong muốn. Bạn có thể hỏi thêm về nhiệm vụ công việc, phúc lợi, khóa học nâng cao chuyên môn hoặc đề nghị nhà tuyển dụng đưa ra khoảng mức lương cho vị trí đó,

Gợi ý trả lời

Hiện tại, với năng lực và kinh nghiệm cùng sự tìm hiểu về mức lương cho vị trí này trên thị trường hiện nay, mức lương mong muốn của tôi là... 

Xem ngay:  Cách deal lương tinh tế, khéo léo trong buổi phỏng vấn

Vì sao chúng tôi nên lựa chọn bạn thay vì ứng viên khác?

Với câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại này, nhà tuyển dụng muốn biết trình độ của ứng viên có thật sự phù hợp với yêu cầu công việc của vị trí đang tuyển hay không. Đây là lúc bạn cần “giới thiệu” lại một cách thuyết phục những giá trị và lợi ích bạn sẽ mang lại cho doanh nghiệp họ. Hãy trình bày về những thành tích nổi bật mà bạn đã từng đạt được có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển.

Gợi ý trả lời:

Vì tôi có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng thích hợp với vị trí mà doanh nghiệp đang tuyển. Đồng thời, với tinh thần học hỏi không ngừng, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn trong công việc, tôi mong muốn mình được là việc tại vị trí này để phát huy tối đa năng lực, đóng góp giá trị tốt đẹp cho doanh nghiệp.

Bạn có bất kỳ câu hỏi nào cho tôi không?

Thay vì trả lời “Tôi không có câu hỏi nào” thì bạn hãy tận dụng cơ hội này để làm rõ những điều mà bạn còn thắc mắc. Bạn cũng không nên đặt câu hỏi dạng trả lời “có” hoặc “không” vì bạn sẽ không khai thác thêm được thông tin gì. 

Gợi ý trả lời:

  • Nếu được chọn thì tôi sẽ bắt đầu làm việc vào lúc nào?
  • Tôi có thể giữ liên lạc với ai để biết được thông tin sau phỏng vấn?
  • Anh/chị có thể cho tôi biết thêm về công việc chưa được nói đến trong bản mô tả công việc của vị trí này không?
  • Định hướng cụ thể của doanh nghiệp cho vị trí công việc này là gì?
  • Có bao nhiêu người cùng làm việc trong bộ phận này?
  • Người quản lý đánh giá hiệu suất làm việc của bộ phận này như thế nào?
  • Nhân sự trong doanh nghiệp thường nhận được phản hồi, đánh giá công việc như thế nào và khi nào?
  • Đảm nhận vị trí này, tôi có được tham gia các khóa học nâng cao chuyên môn, kỹ năng không?
  • Cơ hội thăng tiến cho vị trí này là như thế nào và thường trong bao lâu?
  • Với cương vị là người đồng hành cùng công ty trong suốt thời gian qua, anh/chị cảm thấy yêu thích điều gì của công ty đến thời điểm hiện tại?...

Các câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại thường gặp

Các câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại thường gặp

Phỏng vấn qua điện thoại là một bước nằm trong quy trình tuyển dụng nhân sự. Do đó, để không bỏ lỡ cơ hội việc làm tốt, bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực, tinh thần lẫn cách giao tiếp ứng xử. Hy vọng những tuyệt chiêu phỏng vấn qua điện thoại mà Navigos Search chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn chinh phục thành vị trí việc làm mơ ước.

Đừng quên theo dõi thêm trang để cập nhật kịp thời các thông tin thị trường, bài viết hữu ích về nhân sự và cách nâng tầm sự nghiệp cho bản thân mình nhé. Cảm ơn quý độc giả đã luôn theo dõi Navigossearch.com!

Navigos Search - Công ty săn nhân tài cấp trung và cấp cao hàng đầu Việt Nam

Mẫu đăng ký để nhận các lời khuyên mới nhất
backtotop