Trong mỗi doanh nghiệp, quản lý cấp cao luôn là vị trí quan trọng bởi họ là người đưa ra mục tiêu, kế hoạch hoạt động giúp doanh nghiệp thành công trong chiến lược kinh doanh. Để đưa ra mục tiêu và chiến lược phù hợp, một nhà quản trị cấp cao cần sở hữu những kỹ năng cần thiết. Đó là những kỹ năng quản trị nào? Cùng
Navigos Search khám phá ngay qua bài viết này nhé!
1. Nhà quản trị cấp cao là ai?
Nhà quản trị cấp cao (Top managers) là những người đứng đầu doanh nghiệp, có trách nhiệm điều hành, chịu trách nhiệm về đường lối, chiến lược, thành quả cuối cùng và công tác tổ chức hành chính tổng hợp cho doanh nghiệp.
Hay hiểu một cách đơn giản: Nhà quản trị cấp cao là những người quản lý ở cấp bậc cao nhất và chịu trách nhiệm về thành quả cuối cùng của tổ chức. Các chức danh của nhà quản trị cấp cao thường là chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc hay giám đốc,..
Nhà quản trị cấp cao là người đứng đầu một doanh nghiệp, tổ chức
2. Công việc của nhà quản trị cấp cao
- Xác định mục tiêu phát triển, phương hướng và giải pháp hoạt động của doanh nghiệp trong từng thời kỳ.
- Tạo dựng bộ máy quản trị cho doanh nghiệp. Phê duyệt về cơ cấu tổ chức, các chương trình hoạt động và những vấn đề nhân sự như: tuyển dụng, lựa chọn quản trị viên cấp dưới, ủy quyền, thăng cấp và quyết định mức lương.
- Phối hợp hoạt động với những bên liên quan.
- Xác định nguồn lực, đầu tư kinh phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đưa ra quyết định nhằm thúc đẩy, hướng dẫn và điều khiển công nhân viên cấp dưới sản xuất kinh doanh, thực hiện và hoàn thành tốt mục tiêu chung đề ra.
- Phối hợp kiểm tra công việc của nhân viên cấp dưới thông qua hình thức quản trị trực tiếp hay gián tiếp.
- Giữ vai trò liên lạc với cấp dưới và khách hàng.
- Phổ biến thông tin cần thiết liên quan đến công việc của nhân viên.
Nhà quản trị cấp cao chịu trách nhiệm về thành quả cuối cùng của doanh nghiệp
3. Kỹ năng quản trị của nhà lãnh đạo cấp cao
Để thực hiện nhiệm vụ quản trị hiệu quả, nhà quản trị cấp cao phải có một số kỹ năng nhất định. Theo các chuyên gia tại Navigos Search, có những kỹ năng của nhà quản trị cấp cao như sau:
Kỹ năng kĩ thuật
Kỹ năng kỹ thuật là kỹ năng vận dụng các kiến thức chuyên môn, kỹ thuật và nguồn tài nguyên để thực hiện tốt công việc. Chẳng hạn như, việc thiết kế máy móc của trưởng phòng kỹ thuật hay xây dựng chương trình nghiên cứu thị trường của trưởng phòng Marketing,... Kỹ năng chuyên môn của nhà quản trị có được thông qua việc học tập ở trường, các lớp bồi dưỡng và kinh nghiệm thực tế mỗi ngày.
Kỹ năng nhân sự
Kỹ năng nhân sự của nhà quản trị là khả năng cùng làm việc, động viên, điều khiển con người nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hoàn thành tốt công việc chung trong doanh nghiệp. Nhà quản trị thực hiện công việc của mình qua những người khác nên kỹ năng nhân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, phản ánh khả năng lãnh đạo của nhà quản trị.
Kỹ năng nhân sự của một nhà quản trị thể hiện trong việc phát hiện nhân tài, dùng đúng khả năng và tạo ra môi trường thuận lợi để khuyến khích nhân viên cống hiến hết mình.
Những kỹ năng quản trị cần có của một nhà lãnh đạo cấp cao
Kỹ năng tư duy
Kỹ năng tư duy của nhà quản trị là khả năng nhìn thấy một bức tranh tổng thể, các vấn đề phức tạp và biết cách làm cho các bộ phận trong doanh nghiệp gắn bó với nhau. Các nhà quản trị có kỹ năng tư duy sẽ luôn nhìn thấy mọi hoạt động và những mối quan hệ giữa các hoạt động đó.
Chẳng hạn, khi giải quyết vấn đề nào đó, nhà quản trị không chỉ xem xét vấn đề đó một cách độc lập mà còn phải tính đến mối liên hệ của vấn đề đó với các vấn đề khác. Tư duy là một trong số kỹ năng quan trọng của nhà quản trị cấp cao. Các mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và quyết định của nhà quản trị cấp cao sẽ phụ thuộc vào tư duy chiến lược của họ.
Với những thông tin mà Navigos Search chia sẻ trên đây, chắc hẳn độc giả đã có cái nhìn sâu hơn về nhà quản trị. Hy vọng bài viết đem tới những kiến thức hữu ích về kỹ năng quản trị và giúp bạn áp dụng hiệu quả trong hoạt động doanh nghiệp của mình.
Navigos Search - Công ty săn nhân tài
cấp trung và cấp cao hàng đầu Việt Nam