Đỉnh cao trong nghệ thuật giao tiếp không chỉ nằm ở kỹ năng đàm phán, thương thuyết, hay lắng nghe, mà còn bao hàm cả khả năng từ chối mà không gây mất lòng người khác. Điều này cực kỳ cần thiết trong môi trường công sở, rất nhiều người cảm thấy bối rối khi phải từ chối cấp trên, đồng nghiệp hoặc khách hàng vì sợ ảnh hưởng tới mối quan hệ vốn đang tốt đẹp này. Nếu bạn cũng gặp tình huống tương tự, hãy theo dõi tiếp bài viết này để có được những bí quyết hữu ích nhé.
1. KỸ NĂNG TỪ CHỐI LÀ GÌ?
Kỹ năng từ chối là sử dụng lời nói và hành động để thể hiện sự không đồng ý với lời đề nghị từ người khác.
Trên thực tế, chúng ta thường nhận được rất nhiều lời đề nghị. Trong nhiều trường hợp, chúng ta vì sự cả nể nên phải chấp nhận và làm theo, mặc dù bản thân không muốn, hoặc tệ hơn là lời đề nghị đó vượt ngoài khả năng của bản thân. Chính vì vậy, cách nói “không’ như thế nào cho khéo léo được rất nhiều người quan tâm.
2. LỢI ÍCH KHI TỪ CHỐI KHÉO LÉO
Im lặng vì sợ mất lòng hay mạnh dạn từ chối luôn là nỗi khó xử của rất nhiều người. Thực tế, chúng ta đã không ít lần bắt gặp trường hợp éo le như: đối tác mời rượu, đồng nghiệp yêu cầu hỗ trợ công việc, sếp giao thêm việc ngoài giờ… dù khả năng không thể đáp ứng nhưng vẫn ậm ừ chấp nhận.
Sẽ đến lúc bạn nhận ra rằng, việc chạy theo những yêu cầu của người khác sẽ không đem lại lợi ích gì cho bạn. Khi sự tốt bụng đặt sai chỗ, bạn sẽ bị người khác lợi dụng và trở thành chân sai vặt. Hơn nữa, sự cả nể sẽ đem đến rất nhiều áp lực cho bạn vì bạn luôn phải ôm hết việc vào người.
Có như thế ta mới thấy được, học cách nói “Không” là điều cực kỳ cần thiết. Khi làm được điều này, bạn sẽ cảm thấy thoải mái, không áp lực, và có thời gian để hoàn thành công việc của bản thân. Đừng đánh đồng việc từ chối với sự ích kỷ. Khi bạn biết từ chối, bạn biết rõ giá trị và giới hạn của bản thân mình.
3. PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG TỪ CHỐI CHO BẠN
Thật khó để từ chối lời đề nghị hay nhờ vả của ai đó. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy day dứt khi không thể hoàn thành yêu cầu của người khác. Đây quả thật là suy nghĩ sai lầm. Bởi chúng ta cũng có mối bận tâm và công việc cần xử lý. Nhất là trong môi trường công sở, tư tưởng ngại từ chối vì sợ mất lòng luôn tồn tại trong tâm trí mọi người. Làm sao để từ chối nhưng vẫn nhận được sự đồng thuận ? Hãy cùng điểm qua những bí quyết sau đây nhé.
4. XÁC ĐỊNH RÕ KHẢ NĂNG CỦA MÌNH
Có một sự thật bạn phải thừa nhận là, không phải yêu cầu nào bạn cũng có thể đáp ứng được. Vì thế, hãy tìm hiểu thật kỹ nội dung lời đề nghị. Khi bạn quá bận, hoặc không đủ khả năng giải quyết, cách tốt nhất cho cả bạn và người đề nghị chính là nói lời từ chối. Khi đó, hãy đưa ra những lời giải thích rõ ràng để họ hiểu và chấp nhận quyết định của bạn. Ngược lại, việc nói “không” một cách vội vàng sẽ biến bạn trở thành con người ích kỷ và không có tinh thần giúp đỡ người khác đấy.
5. ĐỪNG NÓI LỜI XIN LỖI
Trong mỗi trường làm việc, chúng ta thường được khuyến khích giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành công việc nhanh hơn, cũng như xây dựng tính đoàn kết trong nội bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn, hoặc không có khả năng thực hiện yêu cầu nào đó, hãy dứt khoát từ chối. Vì giúp đỡ người khác không phải nghĩa vụ bắt buộc, nên bạn không cần phải cảm thấy ngại và xin lỗi bất kỳ ai.
6. KÉO DÀI THỜI GIAN
Khi nhận được lời đề nghị quá bất ngờ và không biết nên từ chối như thế nào, hãy kéo dài thời gian bằng cách nói: “Để tôi suy nghĩ thêm”. Những người không đủ kiên nhẫn chờ đợi sẽ đi tìm sự trợ giúp từ nơi khác. Đây sẽ là một cách cực kỳ hữu ích nếu bạn không muốn trực tiếp từ chối hoặc không đủ tự tin trong giao tiếp. Họ sẽ không có lý do gì để chê trách bạn vì chính họ là người từ bỏ trước và những người tinh tế sẽ tự ngầm hiểu lời khước từ này của bạn.
7. DẬP TẮT Ý ĐỊNH NHỜ VẢ NGAY TỪ ĐẦU
Khi bạn đã quá mệt mỏi với công việc và deadline của mình, đừng rước thêm trách nhiệm cho bản thân bằng cách chấp nhận sự nhờ vả từ người khác. Khi biết được đồng nghiệp chuẩn bị nhờ vả mà bản thân không muốn, bạn nên dập tắt suy nghĩ đó từ khi chớm nở bằng cách đưa ra những lời than thở vô ý. Thực chất, bạn đang cố tình ra hiệu cho họ thôi ý nghĩ nhờ vả. Nếu đủ tinh ý, họ sẽ tự hiểu và chuyển hướng đối tượng đề nghị giúp đỡ. Qua đó, bạn cũng không cần mất thời gian suy nghĩ lý do để từ chối.
Qua bài viết trên, kỹ năng từ chối cực kỳ cần thiết, đặc biệt trong môi trường công sở. Nhờ vào cách nói “không” khôn khéo, bạn sẽ tránh ôm việc quá mức và tự tạo áp lực cho mình. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ đem lại kiến thức bổ ích và giúp bạn tìm được cách từ chối phù hợp cho bản thân mình.