Sếp – vị trí mà bất kì ai cũng mong muốn hướng tới. Nhưng đạt được vị trí đó là con đường không hề dễ dàng. Bởi Sếp được ví như kim chỉ nam để định hướng cả một tổ chức. Chính vì thế, để đứng vững ở vị trí đỉnh cao và được nhân viên tôn trọng đòi hỏi cấp trên phải có những yếu tố quan trọng của người đứng đầu.
1. SẾP LÀ “KIM CHỈ NAM” DẪN DẮT TẬP THỂ
Chúng ta vốn biết càng lên vị trí cao áp lực công việc càng nặng nề hơn bao giờ hết. Bởi sếp không chỉ chịu trách nhiệm trong công việc, mà còn chịu trách nhiệm định hướng cả một tập thể. Những áp lực vô hình và sự suy tồn của doanh nghiệp đều nằm trong quyết định của sếp. Thế nên, mỗi quyết định là từng bước đi được tính toán cẩn thận.
Sếp luôn đóng vai trò quan trọng và là người sở hữu đầy đủ kiến thức và tư duy rộng mở nhất. Để trở thành người đứng đầu, mang trọng trách trên vai là điều không hề dễ dàng. Ngoài những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm sâu vào thực tiễn, vị trí lãnh đạo còn phải hội tụ đầy đủ tư duy và kỹ năng liên quan. Bên cạnh đó, sếp còn phải biết tự quản lý bản thân để làm gương cho cấp dưới.
2. QUẢN LÝ BẢN THÂN TRƯỚC KHI TRỞ THÀNH SẾP
QUẢN LÝ CẢM XÚC:
Chúng ta vốn biết vị trí càng cao, áp lực và trách nhiệm càng nặng nề. Chính những áp lực từ công việc đè nặng lên tâm lý khiến nhiều sếp trở nên căng thẳng. Khi ngày qua ngày phải đối diện và bộn bề với những lo toan, nhiều lúc chúng ta có thể rơi vào trạng thái cáu gắt và mệt mỏi kéo dài.
Tuy nhiên, bạn chính là bộ mặt đại diện cho bộ phận có quyền hành tối cao của công ty, việc bộc lộ rõ những cảm xúc là không được phép. Hãy học cách che giấu chúng vào bên trong, đặc biệt là khi cần giao tiếp với đồng nghiệp hoặc cấp dưới. Thái độ lo lắng, thất vọng, hay bực tức sẽ bị xem như sự thiếu chuyên nghiệp và không nên có của một người sếp. Vì thế, quản lý cảm xúc bản thân là yếu tố hàng đầu cần rèn luyện để trở thành cấp trên chuẩn mực.
QUẢN LÝ CÔNG VIỆC:
Hàng ngày, bạn phải đối diện hàng tá vấn đề cần phải giải quyết. Nếu không có kế hoạch sắp xếp chúng theo trình tự hợp lý, bạn sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả. Vì vậy, việc lập kế hoạch một cách khoa học là điều rất cần thiết và giúp bạn nắm được đâu là vấn đề cần giải quyết trước.
Đặc biệt, sắp xếp công việc hiệu quả sẽ giúp bạn tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Là một người lãnh đạo, bạn cần tránh tình trạng chạy nước rút để theo kịp tiến độ. Khi mọi vấn đề được giải quyết kịp thời, bạn có thể tăng năng suất làm việc và sử dụng thời gian một cách tiết kiệm nhất. Do đó, đây được xem là yếu tố thứ hai cần phải có của một lãnh đạo thành công.
QUẢN LÝ LỜI NÓI:
Khi ở vị trí là một người bình thường, bạn có thể thoải mái nói hết những suy nghĩ của mình mà không mảy may suy nghĩ. Tuy nhiên, với vai trò là một người Lãnh Đạo, điều này không hề được khuyến khích. Vị trí cấp cao nắm nhiều thông tin bí mật của công ty, do đó việc không kiểm soát được lời nói sẽ khiến bạn rơi vào tình thế vạ miệng. Hơn lời nói của sếp luôn có trọng lượng nhất định và không đơn giản chỉ là câu nói bông đùa.
Vì thế, bạn cần cẩn trọng khi giao tiếp, mỗi cử chỉ và lời nói đều có ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp. Việc thể hiện sự uy nghiêm của một lãnh đạo sẽ giúp bạn được nhân viên và đối tác kính trọng.
QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG:
Với khối lượng công việc nhiều, chúng ta đôi khi phải làm việc liên tục hàng giờ liền để kịp tiến độ được giao. Hoạt động hết công suất sẽ khiến bản thân rơi vào tình trạng mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng. Nhưng là một người sếp, bạn không được phép để bản thân rơi vào trạng thái tê liệt bởi còn rất nhiều vấn đề khác đang chờ bạn xử lý.
Hãy học cách quản lý năng lượng của bản thân bằng cách ưu tiên giải quyết công việc khẩn cấp trước. Đừng quá dồn nén và tự tạo áp lực khiến bản thân mệt mỏi. Chỉ khi bạn xác định được tầm quan trọng của công việc và sắp xếp theo mức độ ưu tiên, bạn mới có thể tập trung giải quyết hiệu quả nhất.
Trên thực tế, để trở thành nhà lãnh đạo tốt là cả quá trình rèn luyện bền bỉ theo năm tháng. Vị trí càng cao đòi hỏi bạn phải sở hữu nhiều yếu tố từ kiến thức đến những tố chất cần có của nhà lãnh đạo. Thông qua bài viết này, nếu bạn còn thiếu yếu tố nào trên đây hãy cố gắng trau dồi để trở nên chuyên nghiệp hơn nhé.