Điều gì làm nên nhà lãnh đạo xuất chúng? Nắm chắc kiến thức chuyên môn, thành thạo nhiều kỹ năng mềm, giao tiếp tốt,... thường xuyên được đề cập trong các bài viết. Vậy, kỹ năng tinh thần có cần thiết hay không?
Câu trả lời là có! Mặc dù các nhà lãnh đạo trong mỗi ngành nghề là khác nhau nhưng kết quả từ nghiên cứu của HR Insider cho thấy các nhà lãnh đạo xuất chúng thường có 5 kỹ năng tinh thần dưới đây.
1. NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN VỀ BẢN THÂN
Một nhà Lãnh Đạo tốt sẽ nhận thức được toàn bộ khả năng của bản thân, cũng như xác định được những lĩnh vực cần phát triển hơn. Một điểm yếu thường thấy của Lãnh Đạo là sự tự mãn hoặc kiêu ngạo. Hãy chấp nhận rằng, không một ai hoàn hảo và đều có những điểm cần được trau dồi thêm. Từ đó, người Lãnh Đạo có động lực để phát triển và đem lại lợi ích cho bản thân cũng như công ty. Anthony Tjan - Giám đốc điều hành của Cue Ball đã tổng kết nhận thức về bản thân trong ba điều sau: biết chính mình, cải thiện bản thân và trau dồi thêm cho chính mình.
Tuy nhiên, kỹ năng này không chỉ tập trung vào bản thân mà còn liên quan đến người khác. Với tư cách là một nhà lãnh đạo, bạn phải nhận thức được giá trị mà mỗi thành viên trong nhóm của bạn, cũng như khả năng đạt được mục tiêu công việc của họ để xác định hướng phát triển đúng đắn cho cả nhóm.
2. TINH THẦN HỌC HỎI MỌI LÚC MỌI NƠI
Có ba điều quan trọng mà nhà lãnh đạo cần ghi nhớ, đó là: học hỏi từ trải nghiệm của người khác; học hỏi từ bản thân và kết hợp những kinh nghiệm bạn có; và quan sát đúc rút từ người khác, Từ đó, bạn có thể đưa ra quyết định khôn ngoan nhất cho mọi vấn đề.
Margaret Fuller đã nói rằng “Hôm nay là độc giả, ngày mai là một nhà lãnh đạo”. Điều này có nghĩa là bạn nên chăm chỉ rèn luyện bản thân và tích lũy kiến thức mỗi ngày, thông qua những người và những việc xung quanh mình, để trở thành một nhà lãnh đạo xuất chúng trong tương lai.
Có rất nhiều người đề cao việc học hỏi kinh nghiệm từ người khác, vì họ cho rằng đây là con đường ngắn nhất để nhìn ra những lỗi sai và kinh nghiệm mà người khác đã trải qua. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp đặc biệt, khi mọi thứ diễn ra không như những gì ta từng tham khảo, thì việc áp dụng những kinh nghiệm ta sẵn có hoặc từng quan sát được để giải quyết là vô cùng cần thiết.
3. TỰ NHÌN NHẬN LẠI CHÍNH MÌNH
Để trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ, bạn cần phải gạt bỏ cái tôi của mình dành dành thời gian nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân. Yếu tố này giúp bạn có thể nhìn nhận lại quá khứ, sửa lỗi sai để tránh lặp lại trong tương lai.
Đầu tiên hãy tự hỏi chính mình, điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì? Cách làm việc hiện tại của bạn có hiệu quả không? Đa phần nhân viên có cảm thấy khó chịu về những kế hoạch mà bạn đưa ra không? Khi bạn dành thời gian và xem lại những vấn đề cần cải thiện, bạn sẽ học được cách thay đổi sao cho phù hợp với giai đoạn hiện tại, với môi trường và với mọi người.
4. ĐẶT MÌNH VÀO HOÀN CẢNH CỦA NHÂN VIÊN
Hãy nhớ lại những trải nghiệm làm việc của mình khi bạn còn là một nhân viên. Điều này vô cùng hữu ích nếu như bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo xuất chúng, bởi bạn sẽ dễ dàng thấu hiểu cảm giác của nhân viên khi làm việc với sếp. Từ đó bạn sẽ biết cách tạo ra đội nhóm mạnh mẽ và khai thác tiềm năng của các thành viên trong nhóm.
Bên cạnh đó bạn cũng hiểu được rằng nếu gây sức ép quá lớn đối với nhân viên có thể gây phản tác dụng, thay vào đó hãy tìm hướng giải quyết như bạn đã từng muốn trước đây. Hãy khiến nhân viên phát huy khả năng tốt nhất của họ để đem lại nhiều hiệu quả cao trong công việc.
5. TINH THẦN XÂY DỰNG ĐỘI NHÓM
Việc xây dựng tính đoàn kết đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thành công của một tổ chức. Và dĩ nhiên, chỉ có những nhà lãnh đạo với kỹ năng quản lý hiệu quả mới có thể đưa tổ chức tiến gần đến sự thành công này, bởi vì họ đã được đào tạo chuyên sâu các kỹ năng quản lý và thấu hiểu con người.
Một trong những thách thức lớn khi xây dựng đội nhóm chính là cho những người có xuất thân, quan điểm và khả năng khác nhau cùng làm việc chung. Nhưng đừng quá lo lắng, nếu bạn có thể tìm được những mối quan tâm chung giữa các thành viên, bạn hoàn toàn có thể gắn kết và thúc đẩy tinh thần làm việc của cả nhóm.
Một vài lợi ích to lớn khi xây dựng được một nhóm làm việc tốt với nhau chính là cải thiện năng suất làm việc, tạo ra nhiều ý tưởng đột phá, dễ dàng đạt được mục tiêu. Từ đó nhân viên có sự kết nối sâu hơn với công ty. Nói cách khác, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí thuê và đào tạo nhân viên mới.
Những nhà lãnh đạo hội tụ đủ những yếu tố kỹ năng tinh thần này chắc chắn sẽ trở nên thông thái hơn khi xây dựng đường lối chiến lược của mình. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trên con đường chinh phục vị trí Lãnh Đạo của mình.